Đã có rất nhiều trường hợp bọn trộm viếng thăm nhà của mình khi chúng ta đang ngủ say. Nhưng nếu chúng ta phát hiện ra bọn chúng thì phải đối phó thế nào để giảm thiểu thương vong, bảo vệ được tính mạng mình và gia đình?
I. Phòng trộm:
1. Khóa cửa cẩn thận:
Mọi người chúng ta trước khi đi ra ngoài hay chuẩn bị đi ngủ đều sẽ luôn khóa cửa cần thận đề phòng trộm cắp. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn hay quên khóa cửa sổ mà không hề biết rằng đây cũng là 1 trong những con đường giúp kẻ gian đột nhập vào nhà một cách dễ dàng. Tránh những trường hợp lúc tháo chạy ra ngoài khi có trộm đột nhập hoặc rủi ro trong nhà xảy ra không phân biệt được đâu là khóa cửa thì nên đánh dấu vào chiếc chìa khóa đó để nhanh chóng mở cửa ra ngoài.
Các tên trộm đều lợi dụng lúc chủ nhà lơ đễnh, quên khóa cửa để “hành nghề”. Số nhà không bị che khuất cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp cho những người đi đường có thể dễ dàng nhìn thấy số nhà và gọi điện báo cảnh sát một cách nhanh nhất khi trong nhà bạn cần giúp đỡ. Nếu có một hàng rào chắc chắn, kiên cố và cao ngút trước nhà sẽ khiến những tên trộm “lực bất tòng tâm”. Garage của bạn luôn là điểm đến quen thuộc để ấn náu của những tên trộm cắp khi chúng đột nhập vào nhà. Ngoài ra, việc mở cửa garage suốt ngày chẳng khác nào gây sự chú ý cho những kẻ gian có cơ hội nhòm ngó tài sản của mình. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn luôn đóng cửa garage sau mỗi lần sử dụng.
2. Cất giữ tài sản tại nơi an toàn:
Không nên cất giữ toàn bộ tài sản trong phòng ngủ hay két sắt những nơi mà mọi tên trộm đều nhắm đến khi đột nhập vào nhà nạn nhân. Nên hãy tự tìm một nơi an toàn nhất trong nhà và ít người biết đến nhất mà bạn có thể tin chắc rằng không ai phát hiện ra để cất giữ tài sản trong đó. Đây cũng là cách đơn giản giúp bạn giữ được tài sản khỏi những tay bất lương.
3. Lắp đặt chuông báo động hay nuôi chó giữ nhà:
Nếu có điều kiện, nên lắp đặt camera an ninh và hệ thống cảnh báo xâm phạm. Bên cạnh đó việc nuôi 1 chú chó hung dữ để canh nhà cũng là phương pháp hiệu quả để phát hiện, phòng chống trộm. Kể cả khi bạn không nuôi chó nhưng chỉ với 1 tấm biển “Cẩn thận nhà có chó dữ” cũng đã khiến trộm ngần ngại trước khi có ý định đột nhập vào nhà.
4. Kết bạn với hàng xóm:
“Bán anh em xa mua láng giềng gần”, câu tục ngữ này đúng cả trong trường hợp phòng chống trộm. Hãy kết bạn với những người dân sống xung quanh để họ có thể giúp đỡ, trông nom nhà cửa mỗi khi bạn vắng nhà.
Đừng để chìa khóa ngoài nhà
Nhiều gia đình vẫn có thói quen giấu chìa khóa nhà vào một chỗ nào đó bên ngoài cổng như dưới chậu hoa, viên gạch hay bụi cây ven đường để cho các thành viên khác trong gia đình có thể mở cửa vào nhà. Tuy nhiên, đây chẳng khác nào lời mời chào hấp dẫn cho những tên trộm cắp bất lương.
Thay vì giấu chìa khóa ở những nơi hớ hênh như trên, hãy gửi chìa khóa cho người thân, những người hàng xóm bạn thực sự tin tưởng, hoặc an toàn nhất là đánh cho mỗi thành viên trong gia đình 1 chùm chìa khóa nhà. Hãy chuẩn bị thật kỹ trước mỗi chuyến đi dài ngày
Nếu không có ai trông nhà cho bạn khi bạn đi du lịch dài ngày hay phải về quê xa vì có việc đột xuất thì hãy nhờ công an hoặc hàng xóm để ý giùm nhà cửa. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế việc lên Facebook để khoe về những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình. Những thông báo của bạn nhiều khi sẽ trở thành lời mời dành cho những tên trộm“nghiện” mạng xã hội.
5. Đừng khoe của:
Nếu mới mua những món đồ mới, đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, hãy cắt nhỏ những chiếc hộp đựng đồ trước khi gói ghém và ném chúng ra thùng rác. Những chiếc hộp còn nguyên vẹn có thể trở thành tín hiệu báo tin giúp kẻ trộm để mắt đến những món đồ đắt tiền trong nhà bạn.
Luôn cất giữ những đồ vật tự vệ trong nhà
Nên đặt những đoạn cây (tre, sắt, gỗ) rải rác trong nhà để có thể đối phó với những tên trộm khi chúng đột nhập vào nhà.
II. Chống trộm:
1. Khi nghi ngờ có trộm đột nhập:
Giữ yên lặng, di chuyển nhẹ nhàng đến cửa trước hoặc sau, áp tai vào cửa để nghe ngóng. Lúc này, bạn có thể xác định được có bao nhiêu kẻ trộm? Chúng ở cách xa hay gần bạn?
Đừng tranh cãi với vợ/chồng về việc cần làm trước mắt. Tiếng động mạnh có thể khiến những tên trộm xác định được bạn đang ở đâu mà hãy nhanh chóng tìm chỗ trốn an toàn như nhà tắm, tủ quần áo, gầm giường…
Nếu không có chỗ trú ẩn an toàn, hãy đưa tất cả các thành viên vào 1 phòng, khóa chặt cửa và chặn cửa bằng những đồ vật nặng như tủ quần áo, bàn ghế… Hãy lựa chọn căn phòng có khóa chắc chắn nhất và ở nguyên trong đó. Đảm bảo trong tay luôn cầm theo điện thoại. Sau khi tìm được chỗ trú ẩn an toàn, hãy nhanh chóng gọi điện báo cho cảnh sát và phải nói thực sự ngắn gọn về tình hình trước mắt mà bạn đang bị. Đừng ngắt điện thoại để cảnh sát có thể nghe và theo dõi diễn biến đang diễn ra. Một khi tên trộm tiến tới nơi bạn trú ẩn, hãy chuẩn bị để đối phó bằng những đồ tự vệ chuẩn bị sẵn trong nhà có thể gây xác thương làm tên trộm bất tỉnh nhân sự thì càng tốt.
2. Khi bị trộm khống chế:
Giữ bình tĩnh và tuân thủ mọi yêu cầu của kẻ trộm. Thái độ trong 30 giây đầu tiên khi đối mặt với kẻ trộm sẽ quyết định mọi diễn biến sẽ diễn ra sau đó. Một khi bạn đã khiến kẻ trộm mất bình tĩnh và bất an, chúng sẽ ra tay giết hại bạn hoặc các thành viên trong gia đình mình ngay ở những giây phút đầu tiên.
Hãy nói bằng giọng bình thường nhất có thể. Không có những hành động đột ngột, bất ngờ. Nói với kẻ trộm rằng bạn sẵn sàng hợp tác. Tránh nhìn trực diện vào mắt kẻ trộm bởi hành động này sẽ khiến tên trộm lo lắng và nghĩ rằng bạn có thể sẽ nhận ra hắn sau này.
Trong trường hợp bị kẻ trộm tấn công ngay khi vừa đụng mặt, hãy kêu cứu thật to để nhờ giúp đỡ của người thân, hàng xóm nếu nhà hàng xóm ngay sát vách, sau đó, tìm đường thoát thân. Tuy nhiên, việc kêu cứu không được khuyến cáo và là trường hợp bất khả kháng lắm mới làm vậy vì nó sẽ khiến tên trộm bất an và có những hành động liều lĩnh. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy dùng bình xịt hơi cay để trốn khỏi kẻ trộm. Bạn nên có một bình xịt hoặc tương tự trong nhà, ở chỗ dễ lấy, để đề phòng tình huống xấu. Giả chết là phương pháp cuối cùng giúp thoát khỏi sự tấn công của kẻ trộm.